Friday, August 14, 2009

Đường Về Quá Xa

Trên đường đời tôi chỉ là một nhân vật thật bình thường. trên đường đạo tôi là một kẻ đang ôm đồm nhiều vướng mắc, vất vưởng trong cõi ta bà, bờ bến giác còn xa tít chân mây.

Như trong một câu chuyện tôi được nghe trong một bài giảng:
Một anh chàng hình như là tiều phu, vấp chân ngã xuống một vực sâu, rất may mắn anh níu được một cành cây, anh chàng ta run run cầu nguyện
- Nam Mô A Di Đà Phật, xin Phật hãy cứu con, con nguyện nghe theo lời Phật dậy, xin Phật cứu con.
Nghe lời van xin Đức Phật hiện ra
- Hãy đưa tay đây ta sẽ cứu con
Anh chàng tiều phu ngơ ngác và không giám buông tay ra, càng níu chặt cành cây để kéo dài thêm sự sống.

Tôi nhận thấy mình đang giống hệt như anh chàng tiều phu nọ, mình đang níu lấy cành cây của sự sông còn cho tấm thân duyên hợp bởi tứ đại. Đã nghe lời Phật, đã tin theo Phật nhưng vẫn không chịu buông những vướng mắc của cuộc đời.

Câu thơ của Hòa Thượng Thích Thanh Từ “Nếu biết cuộc đời là thế ấy, còn gì đâu vướng bận ở lòng anh”, nhưng sao mình vẫn vướng bận, chỉ cần một chữ “buông”.

Ôi chữ “buông” sao nghe đơn giản thế nhỉ, âm thanh reo vào lòng ta một chút thư thái nhẹ nhàng như âm vang của chữ “chuông” nhưng những gì tôi đã có tôi rất muốn ôm vào lòng, gìn giữ và không bao giờ muốn nó mất đi, ngay cả những thứ chẳng có giá trị gì cũng vậy, nhiều khi anh bảo tôi “có nhiều thứ anh chẳng bao giờ thấy em mở ra mà sao em không cho ai hoặc vứt đi"

Có những lúc chiều anh tôi vào căn phòng bỏ trống, nơi tôi chứa đồ dùng như một cái nhà kho, lôi hết cái này cái kia ra để vứt nhưng rồi sau một ngày "quần thảo" với mớ đồ đạc đó tôi lại xếp vào thùng khác, cất đi, mớ đồ đạc để vứt thì chẳng được bao nhiêu. Đây là những quyển vở của các con lúc mới đi học, những chiếc áo dài cũ thuở còn thon thả, những chiếc áo tôi mặc khi còn ở đảo, những quyển vở cũ, những index card tôi đã công phu chép vào khi học thi... bao nhiêu hộp cassette tape thu lời giảng của anh TQQ tất cả còn y nguyên ..... dù rằng tôi biết tôi sẽ không bao giờ nhìn lại hay nghe lạ,i nhưng không có gì tôi muốn vứt đi cả. cầm lên cái máy đánh chữ, chắc chắn là mình sẽ không bao giờ dùng đến nó nữa, nhưng tôi cũng tần ngần không muốn cho đi. Tôi muốn giữ lại làm kỷ niệm những ngày dùng nó in resume để đi xin việc....
Cái tật này thật khó bỏ, hộp thư email ở sở cứ luôn luôn bị nhắc nhở hộp thư đã quá tải, hộp thư trong yahoo cả ngàn emails, tôi cũng không hiểu tôi nữa, giữ làm gì khi mình không có giờ đọc lại, nhưng nỗi khó khăn vô cùng khi đặt tay bầm vào chỗ delete.

Đấy là những chuyện nhỏ nhặt không đáng gì mà tôi còn muốn ấp ủ nó, nói chi tới những gì to tát. Dù cho cố nghĩ cuộc đời là vô thường, có hợp thì sẽ có tan nhưng làm sao cho mình buông được nhỉ? tôi lẩn thẩn tự hỏi.

Khi đọc Kinh Pháp Cú, tôi luôn luôn thầm nghĩ mình sẽ cố gắng thực hành theo những lời Phật dậy. Kinh Pháp Cú gồm 423 lời kệ do đức Phật nói ra tùy trương hợp, những lời Đức Phật giảng dậy được coi như “Kim Khẩu”. cho dù từ hơn hai ngàn năm về trước nhưng cho đến nay dù khoa hoc tiến bộ, những văn minh hiện đại trong đời sống chúng ta, những lời vàng, thước ngọc của Đức Phật vẫn thấy không sai.

Dưới đây là câu chuyện đã được ghi lại cho Pháp Cú 62 và 63:
Thuở xưa Đức Phật trú tại nước Xá vệ, Trong thành có mọt vị Bà-la-môn tuổi gần tám mươi, giàu có vô số. Nhưng ông lại là người ngu ám ngoan cố, tham lam khó đọ, không tin đạo đức, không biết vô thường, ham thích cất nhà to lớn đẹp đẽ. Ông cất nhà trên, nhà dưới , đài hóng mát, nhà sưởi ấm, dãy bên đông, dẫy bên tây… cả mấy mươi gian, duy chỉ còn mái hiên che nắng căn nhà sau là chưa xong. Lúc đó vị Bà-la-môn để hết tâm trí lo chỉ huy mọi người làm việc. Đức Phật dùng Phật nhãn thấy mạng ông sống không hết ngày hôm đó. Thế mà ông không tự biết, cứ mải miết lo tính nhọc nhằn, đến nỗi thân tâm tiều tụy, thật vô phước đáng thương!
Đưc Phật cùng A Nan đi đến nhà ông, thăm hỏi:”Ông có nhọc mệt lắm không? Nhà cửa xây dựng nhiều như vậy dùng để làm gì?”
Ông lão đáp:”Nhà trước dùng tiếp khách, nhà sau để ở, hai dãy bên đông bên tây dành cho dâu con, tôi tớ và cất chứa của cải. Mùa hạ thì lên đài hóng mát, mùa đông lại vào phòng sưởi ấm.”
Đức Phật nói:” đã lâu nghe danh đức của ông làm nay mới có dịp trò chuyện. Tôi có một bài kệ quan trong có ích lợi cho cả kẻ còn người mất, muốn đem tặng ông. Không biết ông có vui lòng nghỉ tay ngồi nói chuyên một chút không?”
Ông lão đáp:”Hôm nay bận lắm, không thể ngồi trò chuyện, xin hẹn hôm khác đến sẽ thong thả luận bàn. Còn bài kệ quan trọng gì đó xin nói ngay đi.
Lúc ấy Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Có con cái tài sản
Ngừoi ngu phải rộn ràng
Ta còn không thật có
Lo gì của và con
Nóng nên ở chỗ này
Lạnh nên ở chỗ kia
Người ngu lo tính hòai
Không hiểu lẽ đôi thay
Kể ngu muội cực cùng
Tự cho mình là trí
Ngu mà tưởng hơn trí
Đó chính là cực ngu!
Vị Bà-la-môn nghe xong nói:”Bài kệ này hay thật. Nhưng hôm nay tôi rất bận, xin bữa khác hãy đến bàn luận”.
Đức Phật chỉ còn biết xót thương bỏ ra đi
Ông lão sau đó đích thân chỉ huy mọi người gác đòn dôngl Không ngờ cây đòn dông rơi xuống trúng vỡ đầu chết! con cháu than khóc động cả hàng xóm chung quanh. (Kinh Pháp Cú bản dịch Thích Minh Quang).

“Ông lão” này là biểu tượng cho đa số chúng ta bất luận già, trẻ, giầu nghèo. Có ai thóat khỏi sự yêu thương chính mình? Mọi hành động mọi suy nghĩ chỉ để phụng sự cho tấm thân của mình, cho danh lợi, cho sự khen, chê, thán phục, không màng đến sự vô thường của tấm thân, chăm chút lo lắng cho tấm thân nhưng hầu như đã quên đi cái trí tuệ, cái tâm trong sáng đang bị che mờ bởi vô minh.

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi ngày mình nhắc lại bao nhiêu lần tiếng TÔI trong lời nói, tôi muốn, tôi thích, tôi làm ….những phiền não theo nhau đổ xuống đời cũng vì cái tôi, tham sân si nổi dậy khi nhứng điều gì nghịch với cái tôi, như “ông lão” tuổi đã già, tiền rừng bạc bể vẫn cho là chưa đủ, ông đã xây cất mười mấy gian nhà cũng vì cái tôi, vì những luật lệ do ông áp đặt, ông phải có cái này,ông phải cần cái kia, ông không có cả thì giờ để bàn luận về bài kệ của Đức Phật về cái ta
Ta còn không thật có
Lo gì của và con.
Làm sao mình nghĩ được mình là không thật, thế gian này là không thật, con cái của cải, không phải là của mình? Nếu nghĩ được như vậy thân ta sẽ an nhiên tự tại.

Một câu chuyện khác mà tôi ưa thích về vị vua Ba Tư Nặc.
Ngài đã hỏi vị hòang hậu đắc sủng nhất của ngài:
- Ái khanh hãy nói cho trẫm biết ái khanh yêu ai nhất.
- Hòang Thượng muốn thiếp nói thật lòng của thiếp?
Nhà vua hoan hỉ gật đầu vì ông tin chắc rằng người hoàng hậu yêu thương nhất sẽ chẳng ai khác hơn là ông.
- Thần thiếp yêu thần thiếp nhất.
- ????
- Xin cho thần thiếp đuợc giải thích chỉ vì muốn cho thần thiếp được mọi ân sủng của bệ hạ mà thiếp yêu bệ hạ mà thôi.
- Khanh nói có lý
- Cũng như bệ hạ, bệ hạ yêu thần thiếp vì thần thiếp yêu bệ hạ, nhưng nếu một ngày nào đó thiếp yêu người khác thì không phải bệ hạ sẽ ra lệnh chém đầu thần thiếp? do đó chúng ta chỉ thương yêu những gì gọi là CỦA MÌNH.

Câu chuyện của vua Ba Tư Nặc đã đi vào tâm thức của tôi tụ lúc nào. Người ta (trong đó dĩ nhiên là có cả tôi) ai cũng đặt một vòng tròn trong cuộc sống của họ, họ ngụp lặn trong nhứng điều lệ họ đặt ra cho chính họ chẳng ai có thì giờ cho người khác. Tôi nhận thấy rất đúng cho tôi, tôi buồn phiền khi người thân không coi mình hơn những thú vui của họ ….

Khi xưa tôi là một con người luôn luôn giận dỗi, luôn luôn buồn phiền, nhìn thấy đời mình sao quá nhiều bất ưng, than trách cho sự bất công. Cho đến một ngày khi tôi nằm trong bệnh viện chỉ vì cái bao tử không ưng một thức ăn đã cũ. Lòng buồn bực khi con không dành nhiều thì giờ cho mình, buồn bực vì bà chị đã tiếc tiền cho vài phút gọi địện thoại thăm hỏi, đã cắt ngang câu chuyện khi quá năm phút chị dự đinh gọi cho tôi.

Khi nhìn thấy tận mắt sự dành giựt mạng sống con ngừoi, nhìn thấy danh giói giữa sự sống và sự chết, văn minh tiến bộ, khoa học hiện đại đành bó tay, bất lực trong nhiều trường hợp, nhận thấy sanh, lão bệnh tử là điều không thể tránh cho con người cũng như con vật. Trở về nhà tôi thay đổi hẳn quan niệm nhìn đời, đối với các con tôi không bực tức khi các con có những việc khác cần phải làm hơn là những điều tôi muốn con làm cho tôi. Không giận hờn khi những gì mình xem là quan trọng nhưng người thân của mình thờ ơ, tuy chưa nhận thức được rằng đây là cõi tạm, cuộc đời là phù du, nhưng cũng tạm xem như mình đang đi vào cuối cuộc đời bỏ mặc những lao xao những dầy vò mình đã ôm ấp. Quá khứ vẫn còn đó nhưng tạm thời tôi không còn nuối tiếc, không còn vật và, oán than cho sự ra đi quá sớm của chồng tôi. Duyên hợp thì cũng phải có lúc tan, cho dù anh không ra đi lúc đó thì rồi một lúc nào đó mình cũng vẫn phải xa nhau. Có ai tránh khỏi sanh, lão bệnh, tử?

Ngày xưa tôi cúng thường hay hỏi anh về chỗ đứng của mình trong trái tim anh, nay thì tôi đã hiểu, không riêng gì với anh, nhưng với tất cả mọi người, chỗ đứng của tôi trong họ là do họ sắp xếp không phải do mình quyết định, vì vậy mà tôi đã hết buồn, hết phiền não về chỗ đứng, về thứ tự của mình trong người khác. Người ta có thể cho mình lên hàng đầu hay hàng cuối, cho đến lọai hẳn tôi ra khỏi sự xếp hạng của họ tôi cũng không màng.

Những trăn trở cho tương lai không còn là niềm băn khoăn lớn cho tôi. Thời gian trôi, không níu lại được, tuổi đời chồng chất báo hiệu cho tôi biết con đường mình đang đi đang dần đến một cõi đi về.

Nhờ nhừng lời Phật dậy tôi đã dẹp bỏ được những khó chịu khi nghe người khác phê bình mình “sao cô hiền quá vậy?” tôi hiểu đó là mình đang bị chê là “ngu” trong cách trả đũa người khác, nhưng nếu mình trả đũa được người khác đó có phải là niềm vui? Có phải óan óan sẽ chập chùng?

Tôi biết tôi chỉ là một đứa bé trên con đường đạo, chưa hiểu rõ được Phật pháp, chưa thấm nhuần được những gì gọi là triết lý đạo Phật, nhưng con đường đã mở hé cho tôi thấy cuộc đời là vô thường, con đường về là do mình lựa chọn, con thuyền Bát Nhã đang neo bến chờ, cho mọi người không phải cho riêng mình tôi, nhưng mình có bước chân lên, và khi lên rồi mình có chèo lái, vượt sóng gió để đến bờ bến giác hay không? Tất cả là do mình, do sự lựa chọn của mình, do nhân mình đã gieo và đang gieo.

No comments:

Post a Comment