Friday, September 18, 2009

Những giọt nước mắt

Mai uể ỏai thu xếp giấy tờ để ra về sau một ngày dài làm việc
- Mai ơi, tối nay đi ăn phở nhé
- Có chuyện gì vậy Thu?
- Mai quên hả hôm nay lãnh lương mà
- Ừ thì đi, để mình về qua nhà xin phép Mẹ mình rôi đi.

Từ sau ngày 30 tháng tư 1975, Thu và Mai luôn luôn lấy đủ mọi cớ để cùng nhau đi ăn, khi thì mới lãnh lương, khi thì mới bị sụt lương ….. có chuyện sụt lương là vì theo chính sách mới thì họ là những thanh phần không sản xuất ra một cái gì thực tiễn cả nên bị sụt lương, theo lý luận của con cháu bác là “lao động là vinh quang”nhưng họ chỉ ngồi một chỗ và suy nghĩ. Vì vậy luơng phải thua những xuyên phiếu viên dù sao họ cũng đục ra được những cái lỗ trên tấm phiếu. Nghe sự phân tĩch của “nhà nước”, những người được lên lương cũng như những người “được” xuống lương chỉ biết lắc đầu … cười. và cũng được dịp để cùng nhau đi ăn.

Về đến nhà Mai xin phép mẹ rồi đạp xe đến tiệm phở Pasteur để gặp Thu.
Vào tiệm đang ngơ ngác thì thấy Thu vẫy rối rit, ngồi chung bàn với Thu là Lâm và một thanh niên lạ. Lâm giói thiệu
- Đây là Tùng bạn tôi và đây là chị Mai bạn của Thu
- Chào quí vị, xin lỗi, Mai đến có trễ quá không?
- Không đâu, chúng tôi cũng vừa mới ngồi vào bàn
Lâm nhanh nhẩu trả lời.
Mai đưa mắt nhìn Thu như thầm hỏi
- Anh Lâm và Thu vào đây thì tình cờ gặp anh Tùng đang ngồi một mình nên ghé lại ngồi chung cho vui.
Trong bữa ăn, Mai đã ít nói lại càng ít nói hơn trước mặt một người lạ.
Thỉnh thỏang Mai chợt thấy ánh mắt sâu thăm thẳm của Tùng nhìn nàng. Lâm hỏi;
- Mày có biết tuần này ai hát ở hội trí thức yêu nước không?
- Tuần này có Lê Uyên Phương, tao sẽ kiếm vé mời hai cô và mày đi xem nhé.
- Tốt qúa, chị Mai có bận gì không? đi chung cho vui.
- Đi không Mai?, mình sẽ đến chở bồ đi. Thu rủ
- Được mình cũng thích Lê Uyên và Phương lắm.
Ăn xong Thu rủ lại nhà Thu ngồi tán dóc thêm một chút nữa, biết Mai ngại về tối, Thu hứa sẽ đưa Mai về.
Thu và Lâm yêu nhau đã lâu thường khi đi chơi Thu hay rủ Mai đi cùng vì Thu biết Mai rất ít giao thiệp bạn bè.
Đã tám giờ tối, Mai đứng dậy đòi về,
- Trời đã tối, thôi mình đi về, Thu khỏi cần đưa mình về.
Tùng vội vã nói
- Nhà chị ở đâu? Để tôi đưa chị về
- Cám ơn anh tồi về một mình cũng được
Lâm nói:
- Ờ mày về cùng đường với chị Mai đó nhờ mày đưa chị Mai về đi, Mai ở Đakao
- Vâng, nếu vậy thì chúng ta về cùng đường rồi.
Mai đứng lên cáo từ, Tùng theo sau
Hai người đạp xe bên nhau vào một buổi tối trời hơi lành lạnh, mặc dù không nói với nhau một lời nào nhưng Mai thấy một chút gì ấm áp.
- Tối thứ bẩy mời cô Mai đi nghe nhạc nhé
- Vâng Mai sẽ đến.

Vào buổi sáng thứ năm, đang ngồi làm việc bác lao công lên gọi Mai xuống có người chờ ở dưới nhà. Mai thầm nghĩ chắc bà chị có chuỵên gì đến kiếm Mai. Nhưng không, nhìn nơi ghế đợi chẳng thấy chị mình đâu cả, Tùng bước lại gần
- Xin lỗi cô Mai, hôm nay có cái vé tiện đây ghé ngang đưa vé để mời cô đi thứ bẩy này.
- Cám ơn anh. Mai ấp úng.
Tùng ngồi một lúc rồi ra về.

Thu rất là ngạc nhiên khi thấy Tùng đến kiếm Mai. Mai cố tra khảo xem có phải là buổi ăn phở là do sự sắp xếp để Tùng gặp Mai, nhưng Thu một mực nói Thu không hề định trước sự gặp gỡ ở tiệm phở, cũng như chuyện Tùng đến tận sở Mai

Thứ bẩy đó, Thu lại tận nhà để đi cùng với Mai cho vui.
Hội trí thức yêu nước thường tổ chức những buổi hát ngòai trời trên sân cỏ.
Khi Thu và Mai đến nơi thì đã đông nghẹt người, chen được một chỗ đứng gần sân khấu, chờ một lúc không thấy Lê Uyên và Phương đến, mọi người xôn xao, ban tổ chức cáo lỗi vì ca sĩ có việc bận bất ngờ không thể đến trình diễn được. Nghe trong tiếng thì thầm nho nhỏ hai vợ chồng Lê Uyên và Phương đã đi vượt biên. Tin này không phải là tin đồn nhảm vì sau đó đã được xác nhận là tin thật.

Sau lần đi xem ca nhạc hụt đó, Tùng rất áy náy, lần khác Tùng lại đến trao tận tay Mai một vé mời khác lần này do Thanh Lan hát. Sau buổi hát, Tùng mời Thu, Lâm và Mai đi ăn trước khi đưa Mai về.

Thỉnh thỏang Mai cũng bắt gặp những ánh mắt lén nhìn nàng.với tính nhậy cảm của một người con gái Mai hơi cảm nhận một cảm tình đặc biệt của Tùng dành cho mình, nhưng Mai không muốn nghĩ đó là sự thật vì tình cảm của Mai đối với Tùng không đi quá được tình bạn.

Từ đó mỗi khi có ca nhạc với những ca sĩ Mai thích Tùng thường cố lấy được vé để mời Mai đi xem. Cuộc đi chơi tay tư rẩt vui Mai coi Tùng như một người anh. Những buổi nói chuyện cũng có nhiều tương hợp. Những buổi tối Tùng đưa Mai về Tùng đã có lần thố lộ tình cảm nhưng Mai đã không hiểu:
- Mai có một vài nét rất giống mẹ của anh, và giống cả cái bản tình dịu dàng của Mẹ
Mai biết là Tùng đã yêu Mai qua hình ảnh mẹ của Tùng.
Khi cha mẹ Tùng rời khỏi Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tùng còn đang mê mãi trong rừng sâu, trong những trận đánh cuối cùng.
Tùng trở về ngơ ngác với tâm trạng của một người vừa mất tất cả, gia đình và tổ quốc.

Khi gặp Mai, Tùng liên tưởng đến dáng dấp thùy mị, dịu dàng, ánh mắt hiền từ của mẹ qua Mai.

Cuộc đi chơi tuy có những niềm vui,nhưng Mai luôn giữ một khỏang cách giữa Mai và Tùng. Tùng cao lớn chững chạc, nhưng trong Mai, Mai chưa thể quên được mối tình đầu.

Một buổi tối trời mưa như trút nước, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ lẫn trong tiếng mưa rơi, Mai tròn mắt hỏi em
- Sao giờ này mà có ai còn đến nhà mình nhỉ?
Cô em lười biếng đấy Mai ra mở cửa
- Chị ra mở cửa đi
Trong ánh đèn từ trong nhà hắt ra Tùng đứng đó, mái tóc ướt sũng nước mưa. Mai ngạc nhiên, vội tránh ra cho Tùng bước vào nhà không nói được một câu . Mai cầm chiếc áo mưa của Tùng treo lên mắc và vội vàng nói:
-AnhTùng ngồi đây để Mai vào làm một ly trà nóng anh uống cho ấm.
Nhìn Tùng nhợt nhạt vì lạnh, Mai chỉ biết điều cần nhất là pha một ly nướctrà.
Một ly trà bốc khói được bưng ra đưa cho Tùng. Tùng cầm lấy ly nuớc từ tay Mai và uống từng ngụm trà như nuốt vào cả một trời ấm áp.
Lặng yên không ai nói với nhau một lời nào. Mai chờ cho Tùng ấm lại, Mai hỏi:
- AnhTùng có chuyện gì mà tìm đến Mai khuya vậy
- Anh muốn trả Mai quyến sách anh mượn hôm trước.
Cảm động Mai cúi mặt không nói nên lời Mai hiểu một tình cảm đã nhen nhúm trong Tùng và Tùng có một điều gì khác muốn nói hơn là trả lại cuốn sách.

Từ sau đêm hôm đó Mai cảm thấy tâm tình mình đã thay đổi, mối tình đầu đã bớt đậm nét trong Mai, người yêu đã ra đi trong một buổi hành quân, Mai đã khóc ngất trong tang lễ, những tưởng hình ảnh của người yêu khó phai mờ nhưng tình yêu của Tùng đã làm Mai mềm lòng.

Tình yêu nẩy nở, những buổi hẹn hò, những đêm trăng sáng làm cho cuộc đời Mai và Tùng đẹp hơn bao giờ hết. Nhưng những toan tính cho tương lai đều không được đề cập đến vì cả hai đều thỏa thuận với nhau chỉ có hôn lễ khi cùng đến bến bờ tự do.

Do sự tính tóan của Mẹ Mai và Tùng, một cuộc vượt biên đã được sắp xếp, chỉ chờ ngày đi. Những ngày tháng chờ đợi làm cho Mai bâng khuâng, nàng có thể theo người yêu ra đi và xa Mẹ chăng? Tình yêu của Tùng dành cho nàng có đủ khỏa lấp nỗi buồn khi nàng phải bỏ lại tất cả …..

Rồi ngày đi cũng tới, một người đàn bà đến đón nàng:
- Cậu Tùng nhờ tôi lại đón cô, cậu bận chút việc sẽ đến gặp cô ở ngòai bãi.
Mai cúi đầu từ giã Mẹ ra đi. Đến bãi vào một buổi chiều khi hoàng hôn vừa tắt nắng. Người đàn bà đưa nàng vào một căn nhà nhỏ, nơi đó có vài người đã ở sẵn trong đó. Đưa mắt tìm kiếm Mai không thấy Tùng đâu cả. Người đàn bà nói nhỏ:
- Cô ở tạm trong này, khi nào cậu Tùng tới cậu sẽ đến kiếm cô.
- Vâng cám ơn bà.

Thế rồi cả ngày hôm sau, Mai không thấy Tùng, nàng hơi sốt ruột nhưng không biết hỏi ai. Thêm một ngày nữa, mọi người được lệnh thu xếp để đi xuống ghe, Tùng vẫn biệt tăm. Mai ngập ngừng không muốn đi, nhưng đã lỡ theo lao, nàng đành lặng lẽ theo chân những người khác bước xuống thuyền với tâm trạng rối bời.

Những ngày lênh đênh trên thuyền, Mai buồn vô hạn, cô đơn vô cùng. Gần bên Mai là hai mẹ con Tuyết, thằng bé con dễ thương làm sao, để cho quên buồn Mai ôm ấp thằng bé vì Tuyết say sóng, vất vưởng không ngó gì được tới con.

Ngày lên bờ, Tuyết xoay sở được một chòi nhỏ, rủ Mai đến ở chung, Mai thường trông thằng bé con cho Tuyết trong những khi Tuyết bận rộn với quán hàng của nàng mới mở.

Mai bước chân lên nước Mỹ, lòng buồn vô hạn, Tuyết là một người đàn bà thật lanh lẹ, Tuyết đã rủ Mai về ở cùng với Tuyết, cùng nhau đi học, và Tuyết tìm được cho Mai một chân assembler trong một công ty do người Việt làm chủ, Mai vừa làm vừa học. Tùng vẫn biệt tăm, mối tình đầu và mối tình thứ nhì đều lần lượt bỏ Mai lại một mình. Mai liên lạc với Thu nhờ Thu và Lâm tìm tin tức của Tùng nhưng sự tìm kiếm của Mai chỉ như một viên sỏi được ném xuống nước làm xao động mặt nước rồi lại lặng im.

*******

Học xong, Mai tìm được việc làm trong một nursing home. Những bệnh nhân của nàng đa số là người ngọai quốc. Nhưng trong đó có một bà cụ người Việt Nam, nàng chưa bao giờ nghe bà cụ nói chuyện, bà cụ chỉ ngồi nhìn xa xăm qua cửa sổ, không đòi hỏi điều gì, dù có lần Mai đã nói chuyện với cụ bằng tiếng Việt nhưng cụ cũng không trả lời, không biết cụ có còn nói được nữa hay không.
Mai không hiểu cụ đã sống âm thầm như vậy bao nhiêu năm rôi. Cụ đã già, già hơn số tuổi 85 của cụ, lưng cụ còng, vòng hẳn xuống cụ phải chống gậy để giữ thăng bằng cho những bước chân của cụ.

Cụ chỉ có một người cháu gái một năm ghé thăm cụ vài lần. Mai rất thương cụ mặc dù cụ không nói năng gì nhưng ngày nào đi làm Mai cũng đem trái cây nàng đã cắt nhỏ mang đến cụ dùng.

Một hôm vào ngày cuối năm, như thường lệ Mai mang trái cây và mang thêm một nhánh hoa để cụ cúng Phật, Mai trịnh trọng để trên cái bàn nhỏ của cụ và để tấm hình Phật ngay ngắn lại cho cụ, cụ nhìn Mai ứa nước mắt và lần đầu tiên Mai nghe cụ nói:
- Cám ơn cô.
Mai ngạc nhiên, ôm lấy cụ không thốt lên lời.
- Mong cô một ngày tết thật nhiều may mắn.
- Cháu cũng kính chúc bà mọi sự an lành, mạnh khỏe.
Rồi Mai quyến luyến không muốn rời cụ nhưng đến giờ Mai phải vào làm việc:
- Giờ này cháu phải làm việc ngày mai cháu xin nghỉ phép, cháu sẽ vào thăm bà và hai bà cháu mình ăn tết nhé.
- Cám ơn cô
Bà cụ cười, nụ cười móm mém, nhưng thật tươi.

Như lời hứa ngày hôm sau Mai vào thăm cụ, mang theo một bao lì xì mầu đỏ, chúc thọ cụ.
- Chúc bà một năm mới đầy đủ sức khỏe, mọi sự như ý. Hôm nay cháu có giờ ngồi với bà, bà có cần gì cháu đi mua.
- Không, có cô là đủ, từ cả năm nay mỗi khi thấy cô vào là tôi thấy như cả một vầng ánh sáng tràn vào phòng. Tôi rất cảm động và thấy không thể lặng yên được nữa.
- Cám ơn bà, xin bà cứ coi cháu như con cháu của bà.
Mai mang lược ra chải đầu cho cụ, giúp cụ thay một chiếc áo đẹp rồi hai người ngồi trò chuyện.

Sau lần “ăn tết” đó cụ bắt đầu nói chuyện mỗi khi Mai vào phòng cụ. Có đôi lúc hình như cụ muốn tâm sự cùng Mai, Mai thu xêp một ngày cuối tuần vào thăm cụ.
- Hôm nay cháu vào đây chơi với bà một ngày, bà có muốn cháu đẩy xe bà ra ngòai vườn chơi không?
Bà cụ gật gật đầu ra chiều ưng thuận.
Đến một bóng mát của tàn cây, Mai dừng lại ngồi trên chiếc ghế đá bên cạnh cụ,
- Mai ơi con thật là đáng quí.
- Thưa bà, cháu ở đây cũng có một mình, Mẹ và anh chị em cháu còn ở Việt Nam, được gần gũi bà cũng là một niềm vui cho cháu.
- Hôm nay cháu có nhiều thì giờ cháu có muốn nghe cuộc đời của bà không?
- Dạ, xin bà kể cho cháunghe.
- Cuộc đời bà thật long đong vất vả từ khi ông mất đi, bà chỉ có một người con trai duy nhất, con bà rất có hiếu và cả vợ con của anh ta cũng rất quí trọng bà, bà sống trong sự thương yêu kính trong của con cháu bà. Con trai và cháu bà đểu là những người lính chiến đấu bảo vệ cho đất nước. Cuối tháng 4 năm 1975, khi làn sóng người bắt đầu di tản, thằng cháu của bà mất liên lạc, vì sự sống còn con trai bác đã phải ra đem vợ con và mẹ ra đi, để cháu bà ở lại vì không thể liên lạc được.
Sang đến nơi hai vợ chồng nó cố tìm kiếm đứa con nhưng địa chỉ cũ đã bị người ta chiếm đọat, đành mất tin tức.
Thế rồi trong một chuyến đi chơi, hai vợ chồng con trai bà đã bị tử nạn xe hơi, còn lại mình bà và cô cháu gái, cháu bà đã phải theo chồng đi làm việc ở tiểu bang khác, cô cháu và bà tiếp tục tìm người cháu trai của bà còn kẹt lại ở Việt Nam.
- Thưa bà thế bà đã có tin tức gì của anh ấy chưa ạ?
- Nhờ trời Phật thương xót, bà đã có tin tức, cháu trai của bà vẫn còn sống và vẫn còn ở Việt Nam, thằng Tý cháu đích tôn của bà sắp được sang theo diện H O.
- Con mừng cho bà, như vậy là bà sắp được gặp cháu đĩch tôn của bà.
Mai lấy đồ ăn ra hai bà cháu ăn uống chuyện trò vui vẻ. Sau đó Mai ra về và thầm hiểu tại sao tự nhiên bà cụ lại bắt đầu chịu nói chuyện với nàng.

Một hôm Mai lại phòng bà cụ thăm cụ như thường lê, mới thấy Mai bà cụ hớn hở
- Cô Mai ơi thằng Tý của bà đã được sang đây rồi, tối hôm qua bà cháu đã gặp nhau
- Cháu mừng cho bà nhiều lắm.
Rồi chiều hôm ấy trước khi ra về, Mai ghé lại chào bà cụ, một nguời đàn ông mái tóc hoa râm đang đứng bên cụ, quay lưng ra ngòai. Mai nói qua vai người đang ông và dự định quay gót
- Thưa bà, chúc bà ngủ ngon nhé, cháu về.
- Cô Mai vào đây, có cháu bà đến thăm bà đây
Người đàn ông quay lại, Mai phải vịn vào thành giừơng cho khỏi ngã …..
- Mai, phải em không? Người đàn ông thảng thốt hỏi.
- Vâng em đây, anh Tùng.
Đúng vậy, người đàn ông đó là Tùng, hai bên ngỡ ngàng nhìn nhau.
- Vậy là hai cháu đã quen nhau? Bà cụ hỏi.
- Vâng thưa bà câu chuyện dài lắm rồi chúng cháu sẽ kể chuyện bà nghe nhé.
Bà cụ vui mừng rơi nước mắt, Mai và Tùng ngập ngừng trong câu chuyện mở đầu:
- Anh mừng gặp lại Mai ở nơi đây
- Vâng, cám ơn anh em cũng vui mừng lắm, nhất là bà, mừng cho anh và gia đình được sang đòan tụ với bà
- Gia đình? Anh không còn ai ngòai bà ra
- !!!!!
- Thật vậy khi em đi rồi, anh không bao giờ nghĩ đến yêu ai nữa.
- Xin anh kể cho em nghe tại sao anh không có mặt trong chuyến vượt biên

Tóm tắt Tùng cho Mai biết vài giờ trước khi lên đường Tùng đã bị tai nạn, sợ Mai bối rối ở lại nên Tùng đã nhờ người đàn bà đến đưa Mai xuống bãi.
- Nhưng sao sau đó em liên lạc với gia đình và cả Thu và anh Lâm nhưng không ai biết anh ở đâu?
- Muốn cho em khỏi lo nghĩ và an tâm trong cuộc sống mới và có thể em sẽ tìm được tình yêu khác anh đã dặn tất cả mọi người đừng cho em biết tin tức gì của anh.

Mắt đẫm lệ, Mai gục đầu trên vai Tùng, giọt lệ của sự vui mừng cho một tình yêu vô cùng cao thượng mà Tùng đã dành cho nàng.

- Thế là bây giờ cháu thành cháu thật của bà rồi nhé
Bà cụ cười, nứơc mắt đọng trên khóe mắt vòng tay ra ôm lấy cả Mai và Tùng trong đôi cánh tay gầy guộc.

Những giọt nước mắt vui mừng đã chẩy ra xóa đi những ngày tháng nhạt nhòa của ba mảnh hồn cô đơn.

No comments:

Post a Comment