Monday, December 30, 2013

Hương pháp




Lạy Phật cách nào đúng? 



HỎI:

Con được biết lạy Phật nên theo cách “ngũ thể đầu địa”, đại thể là hai chân, hai tay và đầu đụng mặt đất, tâm thanh tịnh và trang nghiêm. Tuy nhiên thực tế con thấy nhiều người lạy Phật với những cách thức khác nhau: Có người ngửa hai lòng bàn tay, trán cúi đặt vào lòng bàn tay. Có người thì úp hai bàn tay xuống đất, trán cúi đặt vào lưng bàn tay. Có người thì trán cúi chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước trán. Có người khi cúi đầu lạy xuống, giữ lại một lúc. Có người cúi lạy xuống thì ngẩng đầu lên ngay. Con không biết cách lạy nào đúng? Ý nghĩa của cách thức lạy ấy thế nào?

ĐÁP:
Đúng như đạo hữu nói, lạy Phật theo cách “ngũ thể đầu địa” là thể hiện lòng tôn kính nhất. Ngũ thể đầu địa có nghĩa là năm vóc (đầu, hai tay và hai chân) gieo sát đất. Theo Phật Quang đại từ điển, tập 3, dẫn sách Đại Đường Tây Vực ký (quyển 2), nói về cách lạy Phật “năm vóc gieo xuống đất” gồm: Trước hết, quỳ gối bên phải (gồm toàn bộ gối, cẳng chân và mu bàn chân) sát đất, kế đến là gối bên trái, rồi đến hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán, sau cùng là đỉnh đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc, như thế gọi là một lạy.

Điều cần lưu ý là động tác “hai khuỷu tay sát đất, hai bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán”. Động tác này biểu thị cho việc hai tay người lạy nâng bàn chân của Thế Tôn cung kính đảnh lễ. Cho nên, cách lạy này còn gọi là “đầu diện tiếp túc quy mạng lễ” (đầu mặt chạm chân Thế Tôn cung kính lễ lạy). Như vậy, cách lạy mà bạn mô tả “trán cúi chạm xuống đất, còn hai bàn tay ngửa đưa ra phía trước trán” là đúng với cách lạy “ngũ thể đầu địa”.

Một điều nữa cần lưu tâm là “đầu đặt sát đất, giữ yên một lúc”. Việc cúi lạy rồi “giữ yên một lúc” là rất cần thiết vì không chỉ thân mà cả tâm đều cung kính lễ. Do đó, cần một khoảng thời gian để dốc hết tâm tư cung kính lễ lạy Phật. Lạy Phật nên chậm rãi, thong thả mới trang nghiêm và thành kính. Nên, những ai “cúi đầu lạy xuống, giữ lại một lúc” là đúng với quy cách lạy “ngũ thể đầu địa”.

Theo Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao,
khi kính lễ Tam Bảo năm vóc gieo sát đất có ý nghĩa nhiếp phục sự kiêu mạn và tỏ lòng thành kính:
1. Khi gối bên phải sát đất nguyện cho chúng sanh được đạo chánh giác.
2. Khi gối bên trái sát đất, nguyện cho chúng sanh không khởi tà kiến ngoại đạo,
 tất cả đều an trụ trong đạo chánh giác.
3. Khi tay phải sát đất, nguyện như Thế Tôn ngồi tòa kim cương, đại địa rúng động,
hiện bày tướng lành, chứng nhập đại Bồ-đề.
4. Khi tay trái sát đất, nguyện cho chúng sanh xa lìa ngoại đạo, khiến họ vào chánh đạo.
5. Khi đỉnh đầu sát đất, nguyện cho chúng sanh lìa tâm kiêu mạn, đều được thành tựu vô kiến đỉnh tướng.

Kính chúc đạo hữu tinh tấn!




HỎI  Bạch thầy, xin cho biết ý nghĩa của từ VIPASSANA ?


ĐÁP :   Trong tiếng Pali, từ 'Vipassana' là danh từ ghép hai từ khác là: “Vi” có nghĩa là “ bằng nhiều cách khác nhau” và “passana”có nghĩa là “thấy”. Vì vậy, nguyên chữ “Vipassana” có nghĩa là “thấy bằng nhiều cách khác nhau”, và khi được dùng trong ý nghĩa về “Thiền” thì “Vipassana” có nghĩa là: “thấy mọi đối tượng hay hiện tượng là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta)”.

Nguyên tắc của Thiền Minh Sát là “quan sát” hay “quán sát” bất kỳ quá trình tâm, vật lý khởi sinh lên ngay trong khoảng khắc này. Như vậy việc định tâm không phải được cố định trên một đối tượng riêng lẻ nào, mà trên những khoảng khắc định tâm hay sát-nađịnh (khanika samadhi) khởi sinh lên khi tâm không còn kẹt với năm chướng ngai. (*)
Trong lúc này, tâm có thể “lưu ý” bất cứ đối tượng nào nổi lên hay khởi sinh một cách mạnh mẽ, và nó sẽ lộ ra bản chất đích thực(thực tướng) của nó (yathabhuta).

(*) Năm triền cái hay năm chướng ngại là:
1. Tham dục, 2. Sân hận, 3. Hôn trầm - thuỵ miên, 4. Trạo hối, 5. Hoài nghi. 


Bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng


Này các Tỳ Kheo, lại có bảy pháp làm cho Chánh pháp tăng trưởng không tổn giảm. 
Thế nào là bảy pháp :

1.Ưa ít việc,không ưa nhiều việc
2.Ưa yên lặng, không ưa nói nhiều
3.Bớt sự ngủ nghỉ,tâm không hôn muội
4.Không tụ họp nói chuyện vô ích
5.Không tự khen ngợi khi mình thiếu đức
6.Không kết bè bạn với người xấu ác
7.Ưa ở một mình nơi chỗ nhàn tịnh,núi rừng.
( Trích Kinh Du Hành )


Ta Về


Ta về bỏ lại đằng sau
Chữ Danh, chữ Lợi biển dâu chữ Tình
Ta về sống với chính mình
Trút đi cái vỏ hư vinh một thời.

Ta về vui với đất trời
Gom mây làm áo rong chơi cõi hồng.
Ta về lắng đục khơi trong
Bon chen chi nữa lòng vòng được, thua.
Ta về vui với bốn mùa
Trăng sao làm bạn, chuông chùa kết thân.
Ta về quên chuyện ngã nhân
Hư tình giả ý cõi trần đãi bôi.

Ta về tìm một chỗ ngồi
Mặc đời xuôi ngược miếng mồi đỉnh chung ..
Đời kia có nói, không cùng
Tới lui vui khổ.. lạ lùng chẳng qua!
Ta về rũ bỏ kiêu xa
Quên nhà máy lạnh, xướng ca, tiệc tùng.. 
Nhân gian cười... bảo ta khùng
Làm duyên một nụ, '' thôi đừng phân bua! ''.

Sáng nay nhẹ bước vào chùa
Ơ, cành Sen trắng cũng vừa mãn khai!
Chợt ta bắt gặp hình hài
Ngày chưa rời bỏ Liên đài mộng du...

Thích Tánh Tuệ

No comments:

Post a Comment