Tuesday, March 15, 2022

TRẠCH PHÁP GIÁC CHI

 

 

Trạch pháp ở đây là sao?

Trong từng giây phút mình chánh niệm, hít thở vào ra biết rõ, đi đứng nằm ngồi biết rõ.
Trong giây phút đó, mình đồng thời biết thêm chuyện nữa:
Tâm tham đang có mặt, tâm sân đang có mặt, mình biết cái này có hại, cái này có lợi, cái này là thiện pháp, cái này là bất thiện pháp, biết rõ. Biết, biết. biết cái này cần phát triển, cái này cần loại trừ. Cái biết đó được gọi là Trạch pháp giác chi.
Giờ các vị bắt đầu thấy nó quan trọng rồi đó.
*** Thất giác chi đầu tiên vô là tỉnh thức, biết mình trước cái đã.
*** Thứ hai là biết phân biệt, Vijjaya = Biết phân biệt cái này thiện, cái này bất thiện, cái này phải loại trừ liền, cái này là bủn xỉn nè, cái này là ganh tỵ nè. Cái này là tham thích, cái này là bất mãn,
Phải có cái trí. Trí ở đâu nó ra?
Trí do 3 nguồn: văn, tư, tu.
-Văn, đầu tiên là phải do học giáo lý, chứ còn không chịu học giáo lý khó lắm. Bởi vì tôi đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều Phật tử, khi không học giáo lý lúc tu tập không biết cái gì thiện cái gì bất thiện, họ không biết.
Thí dụ, trời nóng mình khó chịu họ hiểu là chuyện đương nhiên.
Trong kinh nói, không, cái khó chịu, bực bội đó là tâm sân. Họ chỉ hiểu chữ Sân là hờn giận, căm ghét, nóng nảy, ý hướng bạo hành, bạo lực, bạo động,… họ mới gọi đó là sân. Nhưng trong giáo lý mình đâu định nghĩa kỳ cục vậy.
Sân đó là sân thô rồi, cái mà mình hiểu đó là sân thô.
Còn sân tế, ngay lúc mình nóng nực, khó chịu, mình ăn ngon cắn nhầm lưỡi đó là tâm sân, mình cắn nhầm ớt khó chịu đó là sân, mình đang ăn ngon lành mà nghe cái đùng giật mình đó là sân,…. Sợ cũng là sân, giận cũng là sân, bất mãn, khó chịu… cũng là sân. Phải học mới biết.
Rồi cái Ganh tỵ, bủn xỉn mình không học mình không biết.
Có người họ không học họ thắc mắc chỗ này: Của tôi thì tôi phải giữ lại tôi xài mắc gì tôi cho, cái đó sao gọi là bỏn xẻn được. Nhưng người có học họ biết, cái này là bỏn xẻn. Bởi vì, thí dụ mình đi tu thiền bên Miến Điện, hành lý mình đâu có nhiều, một cục xà bông tắm thôi, có một tuýp kem chống nắng bằng ngón chân cái vậy đó, rồi cái gì cũng chút chút, thuốc cảm thì mình đem theo một hộp đủ xài, bàn chải đem theo chừng vỉ thôi, đâu đem theo nhiều, cái gì cũng chút chút, bây giờ mình qua tới nơi bạn tu của mình bị, mình tính đem ra mình cho, nhưng mình nghĩ bụng “mình cho mốt lấy gì xài?!”. Họ nghĩ suy nghĩ đó là hợp lý, suy nghĩ đó là đúng.
Giờ hỏi 7 tỷ người trên thế giới suy nghĩ đó đúng không? Mình đi mình không đem theo nhiều, mình đem theo có tý à, rồi giờ mình đem cho người khác, mình lấy gì mình xài. Suy nghĩ đó quá hợp lý đúng không? Nhưng người hành giả có trí, có trạch pháp họ biết, đây là bủn xỉn.
Bây giờ tôi giải thích tại sao lại bủn xỉn. Thử tưởng tượng đi, mình gặp người thân, người máu mủ hoặc người thương, mình quý, mình kính thì mình có toan tính nhiều vậy không? Mình có toan tính là mình đem theo không bao nhiêu, mình phải giữ lại mình xài ? Không. Nhưng đặc biệt người kia họ không phải đối tượng mình thương kính mình mới bắt đầu toan tính.
Lắt léo nó nằm ngay chỗ đó đó. Mà mình không biết đó là bủn xỉn. Thấy chưa?
Ganh tỵ.
Mình thấy cả trăm hành giả mà mỗi lần gặp bà kia mình không thích, vì bả trẻ hơn mình, bả đẹp hơn mình. Mà mình tự giải thích, cái đó không phải ganh tỵ, tại vì bả nói nhiều tôi khó chịu, bả có tánh hay khoe tôi khó chịu, bả hay la cà với mấy hành giả khác tôi khó chịu, bả có vẻ thân mật thiền sư tôi khó chịu, tôi khó chịu vì bả không có nết. Tôi đâu phải ganh tỵ đâu? Tại tôi ghét cái nét xấu của bả. Thật ra đó là ganh tỵ. Bởi vì, chỉ cần bả già chút, bả xấu chút, bả mập chút bả ốm chút, bả đen chút, bả nghèo chút là mình đâu có khó chịu, mà tại vì đằng này, bả đẹp tí, bả trẻ hơn mình một tí, hình như có vẻ hơi có tiền tí, bả ăn nói hơi dễ thương tí, bả hơi được lòng người chung quanh tí, mình thấy thiền sư hơi chú ý bả tí, mấy cái tí tí tí đó làm mình khó chịu. Mà mình không có ngờ đó là ganh tỵ mà mình cứ nói là tôi ghét nét xấu củ bả.
Cho nên, Trạch pháp giác chi là sao?
***    Là biết rất rõ, cái gì thiện bất thiện, biết cái gì là ái, là từ tâm, người không học không biết cái đó.
***   Trạch pháp nó không có. Mình không phân biệt được lúc nào là từ tâm lúc nào là tham ái. Có nhiều người mình nhìn họ mình thương liền, nhưng người có trí tuệ họ biết thương này là tham ái hay là từ tâm. Nó khác nhau.
***  Từ tâm là sao?
Từ tâm là trong sáng, nhẹ nhàng, không câu móc. Thí dụ mình gặp ai cũng thoải mái thanh thản, nhưng gặp mặt thì mình mát mẻ mình không có lòng hờn giận căm ghét ai, thấy người ta vui vẻ, khỏe mạnh, tu tập tiến bộ mình mong người ta được vậy hoài không mất.
Sau khi chia tay rồi,
***   Trong sáng là sao ? là mình không có gợn đục của tình cảm riêng tư.
***   Nhẹ nhàng có nghĩa là sao ? Có nghĩa là họ không là gánh nặng trong lòng mình, họ được như mình muốn thì mình vui, mình tùy hỷ, còn họ không được thì thôi, mình không lấy làm nặng lòng.
***     Còn câu móc là sao ? Là có cái gì riêng tư, móc riêng trong đó. Đó là Từ tâm.
***    Ái là sao ? Ái là cũng thích, cũng thương mà nó nặng lắm quý vị. Mình thương người ta mình muốn sở hữu, muốn sống gần người ta, khi người ta không được như mình nghĩ mình nặng nề. Và cái thương đó gắn liền quyền lợi, cảm xúc của mình.
Tôi ví dụ chuyện đơn giản thôi. -Tôi vào trong thiền viện, có 2 cô một cô tôi đối xử bằng tâm từ, thấy cổ biết tu hành, thấy xa quê, tu nữ cũng nghèo, tội nghiệp, hoặc Phật tử đi, tóc tai đầy đủ, mình thấy tội nghiệp. Thấy không biết gì hết trơn tội nghiệp, thấy giúp được gì tôi giúp. Sau khi hết thấy mặt cổ rồi tôi về phòng tôi quên mất tiêu, tôi lo chuyện của tôi. Rồi mai chiều hôm sớm tình cờ gặp nhau ở đâu tôi giúp được gì tôi giúp, trở về tôi quên mất tiêu là từ tâm.
-Còn ái, nghe nè, ái nè. Tôi gặp bả tôi khoái. Tại sao tôi khoái ? Tôi khoái ánh mắt của bả, tôi khoái nụ cười, giọng nói, cái dáng, cái bóng sắc, sắc vóc của bả. Tôi mong được gặp nữa, khi không gặp tôi hơi nhớ nhớ. Và mai này tôi thấy bả thân người khác tôi khó chịu, nói nôm na là tôi ghen. Và bả trở thành gánh nặng trong lòng tôi. Trong khi, nếu tôi thương bả bằng lòng từ thì nó nhẹ lắm. Gặp, cần thì giúp, không cần thì thôi. Khi bả khuất mắt là lòng tôi cực kỳ thanh thản nhẹ nhàng. Đó là từ đó. Còn ái là thích nhưng muốn ở gần người ta, muốn sở hữu người ta, muốn người ta thích trở lại mình, mình muốn người ta đừng nghĩ tới ai. ..
***   Trạch pháp, đó là Trạch pháp giác chi. Nhớ nha. Và biết rõ, cái này có hại cho chuyện tu tập của mình, cái này có hại cho chánh niệm của mình, cái này có hại cho định của mình, cái này có hại cho tuệ của mình, cái này có hại cho niềm tin của mình, cái này có hại cho sự tinh tấn của mình, cái này có hại cho tàm quý của mình. Biết rõ như vậy là Trạch pháp giác chi.
Trích bài giảng Kinh Ngọn Lửa
***Sư Toại Khanh ***
Nguồn: Diệu Trí

No comments:

Post a Comment