Friday, April 8, 2022

Cầu An Cầu Siêu

 

Thứ nhất là cầu siêu: Bởi vì thời Phật nghe ai mất là Phật biết họ đi đâu rồi, cầu là cầu cái gì? Họ đi với nghiệp của họ thì làm sao mà Ngài dành với nghiệp được.
Thứ hai là cầu an: Đã là bệnh nghiệp thì dầu có cầu cỡ nào nó cũng không hết. Nếu nó là cái bệnh tào lao, bệnh thời khí thì cứ cho nó uống đúng thầy đúng thuốc là tự nhiên nó hết thôi. Nếu đúng là bệnh do nhân hiện tại thì coi như ok. Còn mà do bệnh nghiệp, bệnh căn là thua. Ngay cả Đức Phật mà còn phải bị bệnh kiết lỵ trước khi mất. Ngài Xá Lợi Phất cũng phải Kiết Lỵ trước khi mất. Vô vàn những người khác như Vua Tịnh Phạn, công đức trùng điệp thì cũng phải bị bệnh chút đỉnh mới chịu chết, chứ đâu phải tự nhiên khơi khơi mà mất đâu. Nó phải có đảo chánh, nó phải có soán ngôi chứ đâu phải tự nhiên ngon lành rồi lăn ra chết sao mà được. 
 
Sẳn tôi nói luôn với bà con cái chuyện tôi đang làm ráo riết bao nhiêu năm qua. Đó là sống lâu hay mau không quan trọng mà chỉ cần chết sạch, chết yên và chết tỉnh. Bà con nhớ nha!
Con không có cầu sống lâu mà chỉ cần con đi cho nó ngọt. Ngọt ở đây chính là: chết sạch, chết yên và chết tỉnh.
- Chết sạch là đừng có hôi hám, tanh tưởi, khổ mình, khổ người.
- Chết yên là đừng có giãy giụa, quằn quại, rên xiết.
- Chết tỉnh là đừng có hôn mê, nói năng, quàng xiên, bậy bạ. Thấy rõ mình yếu lắm rồi, đang leo lét. Cứ vậy biết mình hơi thở ra biết ra, vào biết vào, không sợ hãi, không tiếc nuối, không hờn giận, không nhớ thương. Biết rằng đã đến lúc phải đi. Năm xưa ta cũng từ đâu đó, cũng ngáp ngáp như vậy rồi đi vào bụng mẹ. Rồi mấy mươi năm sau, bây giờ ta cũng nằm đây cũng ngáp ngáp để đi về 1 phương nào đó.
Lúc cận tử hãy nhớ điều này:" Mấy mươi năm trước cũng giống như vậy trước khi vào bụng mẹ, nay ta trở lại tình trạng đó để đi về nơi khác. Cái chết không phải là sự kết thúc mà còn là sự bắt đầu." Nghĩ vậy thì mình cũng bớt tiếc nuối và sợ hãi. Và phải tin 1 điều là phải phước báu ghê gớm lắm mình mới gặp được Tam Bảo, mình mới có niềm tin vào Tam Bảo, mình mới hiểu được Phật Pháp.
Đó là lý do phải học giáo lý quý vị à. Phải học giáo lý mới làm được cái chuyện tôi vừa nói. Tại vì cái người có phước báu họ mới hiểu được đạo. Chứ mà cứ đi vô chùa cắm đầu làm phước, nghe quyên góp kêu gọi thì móc túi ra...Lúc mình còn sống thì ok, nó ngon lành lắm. Chứ mà tới hồi ngáp ngáp, mà Phật Pháp coi như rỗng không. Trong đầu mình coi như không có 1 chữ hay kinh điển giáo lý gì hết thì mệt lắm.
Trong khi nếu mình có 1 thời gian học Phật Pháp thì tới lúc chết mình mới có chỗ dựa. Mình cứ nghĩ thế này: Tôi không phải là người vô phúc, bởi vì nếu tôi vô phúc thì tôi không thể gặp được chánh pháp, tôi không được học chánh pháp, tôi không được nhớ chánh pháp. Cho nên từng ngày từng buổi mà ta học kinh tạng đây nè. Nó chính là những buổi cầu siêu cho chính mình đó quý vị biết không. Đây là thường nghiệp đó, cứ 1 tuần mà làm 4 buổi như thế này. Nó chính là thường nghiệp, nó là cầu an cũng là cầu siêu cho chính mình.
Kinh Tăng Chi - Phẩm Nổ Lực
Sư Giác Nguyên giảng
Lạc quan giữa dòng đời

No comments:

Post a Comment