Sunday, March 6, 2022

Sống Trong Chánh Niệm

Đừng có coi thường những cái mình thấy, mình nghe, mình ngửi. "Thì tôi thấy cái đó đẹp tôi nhìn có gì đâu!". Trong Lão Tử có một câu rất giống với Đạo Phật đó là "Đừng coi thường những thứ gì thoáng qua trong đầu của mình". Bởi vì nhiều lần thoáng qua nó sẽ trở thành ấn tượng, và khi nó trở thành ấn tượng nó có thể trở thành cái nguồn động lực để mình nói và làm, mình biến nó thành hành động. Tức là nhiều lần thoáng qua nó sẽ đi vào trong ký ức của mình, trong tiềm thức, trở thành ấn tượng tâm lý, và khi trở thành ấn tượng tâm lý nó sẽ dễ dàng biểu hiện ra bằng ngôn từ và hành động. Ngôn từ, hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen. Ví dụ như mình thấy bông hoa mình hay nhìn, mà khi nhìn nhiều lần như vậy trong đầu mình nó hình thành ra một cái sở thích là ngắm hoa, qua khỏi ngắm hoa đi tới một bước nữa là mua hoa về trưng, xa hơn nữa là trồng hoa. Cuối cùng mình tiêu phần lớn thời gian trong tuần cho cái chuyện trồng hoa mà ngày đầu mình không có ngờ. tôi phải nói rõ tôi không có cực đoan đến mức mà tôi lên án cái chuyện ngắm hoa, mà tôi nói theo tinh thần trong kinh là trong Tương Ưng Bộ kinh, Đức Phật ngài dạy rằng "hạn chế cái thích ở đời", bởi vì có nhiều cái thích thì tự nhiên có nhiều cái ghét. Cái thích nó càng nhiều thì nó sẽ kéo theo nhiều cái ghét. Khi mình thích êm ấm thì mình ghét cái gì sần sùi, thích mát mẻ thì mình sợ cái gì nóng nực, thích ấm áp thì mình sợ cái gì đó lạnh lẽo, mình tưởng đó là cái chuyện bình thường. Nhưng mà không, nó quan trọng lắm. Có những người họ lạ chỗ họ ngủ không được vì nệm nó không có giống cái nệm ở nhà. Họ bị lệ thuộc đủ thứ. Tôi hình như cái ghế nào tôi ngồi cũng được, chỉ là đừng để vỏ sầu riêng là tôi không có ngồi được thôi, chứ còn có nhiều người cái ghế họ phải sao họ mới ngồi được, đó là lý do tại sao bên Thụy Sĩ có những cái ghế phải 1200 đô một cái, mà cái ghế đó ngồi sướng thiệt, ngồi bốn đến sáu tiếng không có mệt. Nhưng mà giả sử như mình không có điều kiện để tậu cái ghế đó tính sao đây?... Khi mình chìm sâu trong một nhu cầu nào đó thì chính mình trở thành nô lệ cho nhu cầu, lẽ ra tiện nghi nó phục vụ cho mình thì mình trở thành nô lệ cho tiện nghi. Hai cái khác nhau. Cũng giống như mình nói mình làm chủ chiếc xe nhưng nếu mình nghĩ kĩ thì chiếc xe nó làm chủ mình, là bởi vì chiếc xe nó bị gì mình lo dữ lắm, chứ mình bị gì chiếc xe nó đâu có lo. Có mấy người Phật tử họ mới mua xe, họ nói với tôi "Khổ lắm Sư! Mỗi lần đi chợ, đi siêu thị ra đâu dám lên xe, phải đi một vòng coi nó có trầy không." Trong khi má của mình đi chợ ra mình không có dòm xem má mình có bị trầy xước gì không, bà già mình mình không có nhìn mà nhìn chiếc xe. Điều đó có nghĩa là nhiều khi mình nói mình làm chủ nó nhưng thực ra nó làm chủ mình. Chưa hết, có những cái chữ rất là quan trọng mà bà con nghe nhiều mỗi ngày nhưng trong Đạo Phật nó rất là quan trọng, đó là chữ "Có" và chữ "Của". "Tôi có cái nhà", chữ "có" này nó rất là mơ hồ, trừu tượng, vì sao, vì chỉ cần mình tắt thở một cái là chữ "có" đó không còn đúng không? "Tôi có một cuộc tình", cái chữ "có" đó mình rất hãnh diện nhưng thực ra nó rất mơ hồ, "có" qua "không" cái khoảng cách nó mỏng hơn sợi tóc. Rồi "Cái đó là của tôi", chữ "của" đó là do mình nghĩ nhiều hơn, biết dựa vào đâu để gọi là "của", chỉ cần có một biến cố, một bất trắc, một trục trặc tí ti thì chữ "có" và chữ "của" đó trở nên vô nghĩa ngay.  

Vị tỳ kheo không nên lai vãng trong ma giới ( cảnh giới của phiền não) bằng cách là an trú trong Tứ Niệm Xứ . Đó là chỗ an toàn nhất , chính là sống trong chánh niệm, bởi vì chỉ có sống trong chánh niệm thì anh mới có cơ hội mà anh sờ được các công đức mà anh muốn mặc dù tu không phải là cầu công đức mà là cầu bỏ phiền não chứ không phải cầu công đức nhưng anh muốn có từ tâm, anh muốn có trí tuệ , anh muốn có thiền định, anh muốn có tàm quý , anh muốn có đức tin , anh muốn có bố thí , anh muốn có trì giới , anh muốn có phục vụ anh muốn có cảm thông ,tha thứ, bao dung… thì anh phải có đời sống chánh niệm bởi vì anh mà thất niệm rồi là anh sụp hố anh không biết . Cái vấn đề ở chánh niệm nó nằm chỗ đó , sống thất niệm nó giống như là một người mà đi tìm vàng, đi tìm trầm, đi buôn trên sa mạc, trên biển mà thiếu cái cẩn trọng vậy.
Đi cầu công đức là gì, là giống Như mình đi buôn trên biển trên sa mạc trên rừng sâu trên núi cao. Mà chánh niệm giống như sự cẩn trọng, chỉ cần quý vị thiếu cẩn trọng quý vị sẽ chết trên biển trên rừng, trên sa mạc trên núi cao .
Nên chánh niệm nó quan trọng như vậy đó. 
 
 
Chép lại bài giảng Sư Giác Nguyên ( Toại Khanh) kinh Ba Lê

 

No comments:

Post a Comment